Việc UBND tỉnh Quảng Ninh thực hiện thu phí vãn cảnh khu Danh thắng Yên Tử từ hơn 1 năm nay đã nhận nhiều ý kiến phản hồi của du khách. Thu phí tham quan là cần thiết, nhưng làm sao để du khách hiểu được nguồn kinh phí sử dụng ra sao? Thu như thế nào để tạo sự công bằng cho du khách đến từ phía Đông và Tây Yên Tử?
Thế nào là hợp lý?
Anh Peter, đến từ Mỹ cho biết, tôi cảm thấy rất thú vị khi đến tham quan khu danh thắng Yên Tử. Ở đây không khí thật tuyệt vời. Cảnh quan môi trường xanh, sạch đẹp. Tôi đi nhiều nước, thăm thú nhiều khu di tích tại châu Á như: Campuchia, Thái Lan, Hồng Kông, Trung Quốc… đều thu phí tham quan, vãn cảnh.
Còn, anh Yoo Hyong Rok, Hàn Quốc nói: Thật tuyệt! Yên Tử rất đẹp và linh thiêng! Năm nào tôi cũng đến khu danh thắng Yên Tử. Chúng tôi đã thanh toán các khoản tiền qua công ty du lịch. Tôi cho đó là mức giá hợp lý. Việc thu phí vãn cảnh là cần thiết, để có chi phí cho việc trùng tu tôn tạo di tích, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự.
Liên quan đến những bức xúc của du khách tour du xuân 2019 khi phải trả tiền mua vé vãn cảnh lên chùa Đồng (Yên Tử), từ phía Tây Yên Tử, chị Nguyễn Mai ở Hà Nội chia sẻ: Những bức xúc của du khách phản ánh tại phía Tây Yên Tử cũng có lý do. Bởi, phía tỉnh Bắc Giang, không thu phí vãn cảnh, mà khi đặt chân để lên chùa Đồng lại phải mua phí tham quan. Nhưng, nếu không thu phí thì mất công bằng cho du khách đi lên chùa Đồng, từ phía Đông Yên Tử. Bởi, có nhiều du khách, nhất là người nước ngoài phần lớn họ chỉ lên đến chùa Hoa Yên, rồi xuống núi, nhưng cũng phải mua đủ số tiền/vé vãn cảnh. Còn, nếu bây giờ cứ mỗi đoạn đặt một trạm thu phí thì thật phản cảm, như là thu phí giao thông, mất hết ý nghĩa của người đi lễ Phật.
Còn, bác Phạm Quý Châu, tỉnh Lạng Sơn nói: Theo tôi, hai tỉnh Bắc Giang và Quảng Ninh phải có sự thống nhất trong việc thu phí vãn cảnh. Nếu có thể, nên tích hợp ngay trong vé cáp treo, với mức thu phù hợp. Chứ đừng để người dân chúng tôi bất ngờ với trạm thu phí mọc ra trên tuyến hành hương.
Duy trì thu phí vãn cảnh
Theo tìm hiểu của PV, năm 2018, tổng số tiền thu phí tham quan Yên Tử đạt hơn 40,17 tỷ đồng. Tổng số thu từ nguồn này được trích lại 20% để đảm bảo hoạt động chi thường xuyên cho tổ chức bộ máy Ban Quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử với hơn 70 cán bộ, nhân viên. 80% còn lại được nộp ngân sách Nhà nước để bổ sung nguồn lực cho TP Uông Bí thực hiện các nhiệm vụ đầu tư và quản lý danh thắng Yên Tử…
Nguồn kinh phí này để tổ chức các lễ hội này, ngoài huy động xã hội hoá là cân đối hỗ trợ từ nguồn ngân sách, từ năm 2018 đến nay là từ nguồn thu phí tham quan Yên Tử
TP tổ chức hội Xuân Yên Tử từ năm 2015 đến nay đều chi hơn 500 triệu đồng mỗi năm, gần nhất năm 2018 là hơn 548 triệu đồng. Lễ hội hoa Anh đào – Mai vàng Yên Tử năm 2018 có tổng kinh phí khoảng 10 tỷ đồng, trong đó tiền cân đối từ ngân sách 3 tỷ đồng, xã hội hóa 7 tỷ đồng.
Chưa kể, Yên Tử trải dài từ chân lên tới đỉnh núi, có nhiều điểm chùa, am, tháp, nhiều tuyến hành hương khác nhau.
“Nguồn thu phí tham quan Yên Tử được thành phố sử dụng để hỗ trợ các lực lượng trong đảm bảo về an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, cứu hộ, cứu nạn, y tế… Mùa hội Xuân, số nhân lực huy động từ lực lượng công an, quân sự, doanh nghiệp, nhà chùa và các phường, xã liên quan lên tới hơn 300 người, cộng với trang thiết bị, cơ sở vật chất đi kèm với mục tiêu là đảm bảo tốt nhất cho người dân, du khách hành hương về Yên Tử”, lãnh đạo UBND TP Uông Bí khẳng định.
Bên cạnh đó, Cty Cổ phần Phát triển Tùng Lâm, riêng hội Xuân Yên Tử phải thuê trên 150 lao động để xử lý từ 10 đến 12 tấn rác/ngày để vừa thu gom vừa trung chuyển rác từ chùa Đồng xuống bãi tập kết dưới chân núi để chuyển ra bãi rác xử lý, không để rác tồn qua đêm. Doanh nghiệp chi phí trên 4 tỷ đồng tiền thu gom rác/năm.
Năm 2018, từ nguồn thu phí tham quan, TP Uông Bí chi phí trên 1 tỷ đồng cho xí nghiệp xử lý rác thái môi trường để xử lý đốt rác.
Lý giải về việc thu phí vãn cảnh tại khu danh thắng Yên Tử, ông Phạm Tuấn Đạt, Phó Chủ tịch UBND TP Uông Bí, cho rằng, TP thực hiện đúng theo Nghị quyết số 88/2017-HĐND tỉnh Quảng Ninh về việc quy định thu phí thuộc thẩm quyền HĐND tỉnh theo Luật Phí và lệ phí đối với khách tham quan, vãn cảnh khu di tich Yên Tử từ ngày 1/1/2018. Theo đó, khi du khách mua vé vãn cảnh được quyền lợi bảo hiểm thân thể, bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn giao thông, an ninh, an toàn thực phẩm, không hạn chế các điểm tham quan danh thắng.
Mới đây, tại buổi làm việc giữa Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh với Ban Thường vụ Thành ủy Uông Bí về kết quả thực hiện Kết luận số 204-KL/TU ngày 6/2/2018 của Tỉnh ủy; triển khai Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 4/12/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã gợi mở một số giải pháp tháo gỡ, tạo đà cho phát triển kinh tế xã hội năm 2019 của TP, như: Tăng cường quản lý Nhà nước về phát triển đô thị; nuôi dưỡng nguồn thu ngân sách, đặc biệt là phí tham quan danh thắng Yên Tử.
Với những tiềm năng, lợi thế to lớn trong phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch tâm linh trong đó phải kể đến khu danh thắng Yên Tử, chùa Ba Vàng, Thiền viện Trúc Lâm… được mệnh danh là cái nôi của Phật giáo Việt Nam, TP Uông Bí đã và đang nỗ lực hết mình để tạo dấu ấn trong lòng du khách tour đi Yên Tử từ cơ sở hạ tầng, con người thân thiện, các sản phẩm du lịch đặc sắc, giá trị văn hóa của các ngôi chùa…
Chính vì vậy, TP mong muốn sự hợp tác, chia sẻ của du khách trong và ngoài nước, để xem Uông Bí, là điểm nhấn, điểm du lịch hấp dẫn không thể bỏ qua khi đến với tỉnh Quảng Ninh.