Làng cổ Đường Lâm lâu nay đã trở thành điểm đến thú vị về du lịch văn hóa tâm linh, ẩm thực đối với nhiều du khách trong và ngoài nước. Ngôi làng yên bình, giản dị nằm khiêm tốn bên dòng sông Hồng đỏ nặng phù sa, thuộc địa phận thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội.
Bỏ lại sau lựng sự ồn ào, náo nhiệt xô bồ của nhịp sống phố xá để tìm đến bầu không khí trong lành, dân dã, và hưởng thụ phút giây thư thái của cuộc sống thôn quê thì Đường Lâm chính là nơi du khách tour đi làng Cổ Đường Lâm tìm về để cảm nhận quê hương đất nước mình tươi đẹp nhường nào.
Từ trung tâm thành phố, chỉ khoảng một giờ xe chạy là chúng ta đã đến với Đường Lâm. Đến nơi đây, du khách sẽ bắt gặp những nét đẹp đặc trưng của làng quê đồng bằng Bắc Bộ xưa với hình ảnh dung dị mộc mạc của cổng làng cổ kính, cây đa, bến nước, sân đình, ruộng lúa cò bay thẳng cánh, những tường đá ong phủ bóng thời gian … Và khi nhắc đến Đường Lâm không thể thôi nhớ và yêu gia vị thôn quê của món tương Mông Phụ truyền thống, niềm tự hào của người nông dân chất phác, hiền hậu xứ Đoài.
Con đường với lối kiến trúc đặc trưng hình xương cá trong hệ thống đường đi làng cổ Đường Lâm đã đưa chúng tôi tìm đến ngôi nhà cổ của gia đình ông Hà Hữu Thể ở thôn Mông Phụ, xã Đường Lâm, một trong những gia đình làm tương truyền thống vốn dĩ đã tạo uy tín, thương hiệu bao năm qua tại địa phương cũng như nhiều vùng lân cận.
Trò chuyện với chúng tôi trong khoảnh khắc thiêng liêng của một chiều đông cuối năm, nhấp chén trà xanh nóng ấm, ông Thể từ tốn chia sẻ, thực tình không ai xác định chính xác nghề làm tương ra đời từ khi nào, từ bao giờ, chỉ biết nghề này được truyền lại từ đời các cụ, qua nhiều thế hệ con cháu kế thừa và tiếp nối và quan trọng hơn, ý nghĩa hơn bởi gia vị này đã trở thành một phần không thể thiếu, trong bữa ăn hằng ngày dù đời sống phát triển như thế nào thì món tương của làng chính là hồn quê, là văn hóa đi sâu vào vào tiềm thức, tâm hồn trong mỗi người người dân.
Bằng những kinh nghiệm của người làm tương truyền thống lâu năm, cũng như sự cẩn thận, tỉ mỉ, khéo léo trong các khâu thực hiện, ông Thể cho biết, để có mẻ tương ngon là cả một quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng, chứa đựng cả tâm huyết và tình yêu đặt vào những mẻ tương ấy. Bắt đầu từ nguyên liệu nước, muối, gạo nếp, đậu nành, đậu xanh đến chum, vại sành chứa tương đều phải chọn lựa, sơ chế theo nguyên tắc, quy định bảo đảm sạch sẽ, vệ sinh nhất… Ông Thể chia sẻ.
Đối với hạt gạo làm tương cần chọn gạo thơm ngon có vị bùi, không xát trắng quá để giữ nguyên chất dinh dưỡng. Gạo nếp ta đem đồ thành xôi, có mùi thơm của gạo đầu mùa, hạt dẻo, ủ lên men. Hạt đậu nành chọn hạt to đều, bóng, đem rang nhỏ lửa, khi có mùi thơm và ngả màu là vừa ngon. Đậu nành sau khi rang xong đem xay nhỏ cùng đỗ xanh rồi đổ ra cái mẹt, cái nong, ngày hôm sau thì bỏ vào chum sành, đổ nước vừa đủ và ngâm. Nước ngâm phải lấy ở giếng Nghè, một giếng cổ trong làng thì mới có độ mát và trong, đây cũng là bí quyết khiến cho tương Mông Phụ thơm ngon, hương vị đặc trưng nồng nàn không lẫn được với các loại tương địa phương khác.
Loại muối dùng để làm tương phải là muối biển sạch thì tương mới ngon, khâu đánh củ tương cũng phải khéo léo, từ tốn, đánh đều tay từ dưới lên và phơi nắng đến tối thì úp nắp chum vào. Điều lưu ý nữa là chum vại dùng đựng tương luôn giữ gìn sạch sẽ, vệ sinh nếu không sẽ bị thẩm thấu và mẻ tương sẽ thất bại.
Trong khâu đánh tương, cần chú ý đánh tương liên tục khoảng một tháng để cho bay hết hơi mốc, cái tương chìm xuống, nước cốt tương nổi lên ngả màu vàng hoa cải là màu đẹp nhất. Thông thường khoảng 4,5 ngày tương sẽ lên men.
Bên cạnh đó, nghề làm tương còn phụ thuộc vào yếu tố thời tiết rất nhiều và điều này cũng quyết định sự thành công của mẻ tương như thế nào. Nếu trời không có nắng, nền nhiệt độ lạnh quá, hay như độ ẩm cao, thấp thất thường cũng không thể cho ra đời mẻ tương ngon được. Do đó yếu tố con người và thiên nhiên song hành để mang đến thứ gia vị của trời đất, của tình người. Ông Thể cho biết thêm.
Những giây phút trải lòng tuy ngắn ngủi nhưng chúng tôi cũng thêm hiểu những trăn trở, nghĩ suy của ông Thể của những người người nông dân một nắng hai sương nơi mảnh đất này. Hiện nay, có thể nói ông Thể là một trong số ít gia đình của làng Đường Lâm đang cố gắng giữ lửa, giữ cái tinh túy cốt cách của đặc sản làng quê để truyền lại cho con cháu, thế hệ tiếp nối nét văn hóa ẩm thực của cha ông. Mặc dù tuổi cao, sức không còn nhiều nữa nhưng ông bảo rằng còn sống ngày nào ông sẽ vẫn một lòng gìn giữ nghề làm tương truyền thống của làng quê, vì đó là niềm hạnh phúc, niềm vinh dự, tự hào của cả cuộc đời ông. Nụ cười hiền lành, ánh mắt ấm áp ông từ tốn, trầm ngâm khi bảo rằng chỉ mong muốn bà con nhiều nơi được thưởng thức gia vị tương Mông Phụ, các con cháu thế hệ hậu bối sẽ tiếp tục duy trì, phát triển đặc sản quê hương ngày càng tốt hơn.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Đường Lâm cho biết, hiện nay nghề tương cùng với một số nghề truyền thống của Đường Lâm đang có nhiều điểm khởi sắc. Trong những năm qua, chính quyền địa phương hết sức quan tâm đến vấn đề giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa làng nghề của ông cha để lại. Việc phát triển nghề làm tương cũng đã mang lại những lợi ích kinh tế thiết thực, tạo việc làm cho người lao động mang lại thu nhập khá, nâng cao đời sống của bà con nhân dân địa phương.
Lâu nay, tương Mông Phụ đã trở thành đặc sản mang dấu ấn rất riêng của vùng đất Xứ Đoài, Đường Lâm, mảnh đất địa linh nhân kiệt của vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Với người dân quê, món tương có thể làm gia vị chấm của món nhạt, món mặn tùy theo sở thích nhưng đều mang đến cho món ăn sự hấp dẫn đến khó cưỡng.
Tương, là thứ quà quê hương giản dị, mộc mạc được chắt chiu từ nguyên liệu đơn sơ, gần gũi dễ kiếm, dễ tìm nhưng chan chứa cả tình yêu, tấm lòng chân thành của người dân quê. Có lẽ bất cứ du khách nào đã từng ghé thăm Đường Lâm và thưởng thức tương Mông Phụ dù một lần rồi nhớ mãi chằng thể quên hương vị nồng đượm tình quê ấy. Dịp lễ tết, trong mâm cơm cúng tổ tiên, chén tương thơm ngọt cũng được thành kính dâng lên như lời báo đáp hiếu nghĩa của cháu con.
Khoảng khắc thiêng liêng giao thoa giữa năm cũ, năm mới, giữa trời đất, vạn vật sắp đến gần. Mùa xuân dường như luôn mang lại cho con người những cảm xúc dâng trào, niềm hân hoan và đón đợi những hạnh phúc an nhiên phía trước.
Sương giăng nhẹ trên con đường làng cổ kính, khói bếp tỏ mờ trên mái bếp đơn sơ, những chum tương vàng sánh thơm thơm của gạo, của đỗ của cả ân tình của dân làng gửi trọn. Lưu luyến chia tay xứ Đoài mây trắng, với làng cổ, với người dân thuần nông chất phác đôn hậu, dung dị, hiếu khách, cảm giác chẳng muốn rời xa nơi này. Đâu đó cứ đọng mãi trong tâm hồn du khách câu ca thắm đượm tình người, tình quê hương, làng xóm : “Còn trời, còn đất, còn mây. Còn ao rau muống, còn đầy chum tương”.