Câu chuyện tôi chia sẻ trên đây chính là câu chuyện về gia đình tôi. Thật lòng, tôi cảm thấy thất vọng về gia đình mình, nói đúng hơn là gia đình chồng. Chính vì tôi đã lơ là việc chăm con, tin tưởng vào bố mẹ chồng mà cuối cùng, con tôi suýt bị tự kỉ, gần như chậm nói, chậm chơi so với chúng bạn. Và người làm mẹ như tôi phải mất khá nhiều công sức để khiến con có thể hòa đồng với các bạn một cách bình thường.
Ngày đó, tôi vốn là người phụ nữ nhút nhát nên khi lấy chồng, tôi cứ sợ mất lòng nhà chồng nhất là mẹ chồng tôi. Dường như mọi việc trong nhà tôi đều nghe theo ý mẹ. Có lúc tôi muốn thế này nhưng mẹ lại muốn thế khác nên tôi đành chấp nhận. Nói là sợ thì cũng không hẳn, nói là cả nể thì đúng hơn. Tôi vì sợ phật ý mẹ nên nếu cảm thấy mình chấp nhận được thì lại gật đầu đồng ý. Tính tôi hay nhường nhịn là vậy nên dường như trong nhà không bao giờ xảy ra mâu thuẫn gì.
Cả nhà sống hòa thuận. Mẹ chồng tôi được cái thương con cái, chiều con, chiều cháu nên khi tôi sinh đứa con trai đầu lòng, ông bà cưng lắm. Khổ nỗi, nhà còn có cả bà nội của chồng, thế nên, khi có cháu đích tôn, các cụ chiều như chiều vong.
Cả nhà sống hòa thuận. Mẹ chồng tôi được cái thương con cái, chiều con, chiều cháu nên khi tôi sinh đứa con trai đầu lòng, ông bà cưng lắm. (Ảnh minh họa)
Tôi chưa thấy một gia đình nào chăm cháu như nhà tôi. Có đứa cháu đích tôn lại là cháu đầu tiên nên bà nội, bố mẹ tôi cưng nựng hết mức. Cái gì có là cho cháu hết, không tiếc bất cứ thứ gì. Cảm giác như con tôi mà đòi hái sao trên trời thì ông bà cũng hái xuống. Mà nhiều lúc tôi thấy bà bênh cháu mình vô lý tới mức, cháu làm ngã trẻ con hàng xóm nhưng bà lại cho là, người ta có lỗi chứ mình không hề có lỗi và mắng cháu người khác. Chuyện này khiến tôi nhiều lần ái ngại.
Lại nói về lúc cháu còn nhỏ, tôi có muốn bế đi đâu chơi, bà nội và mẹ chồng cũng cấm. Ý là, trẻ con không nên cho ra ngoài nhiều sương gió, ảnh hưởng sức khỏe này kia. Tôi thì giao toàn bộ việc chăm con cho bà nội và mẹ chồng, yên tâm đi làm. Vì nghĩ, còn ai chăm sóc cháu tốt bằng mẹ nữa. Thế nên, tôi chẳng có gì phải lo lắng. Tối về thì bế con đi chơi thôi nhưng bà nội lại nói thế là tôi cũng im lặng, nghe theo lời bà và mẹ. Nhà nhiều người, đôi khi cách chăm trẻ cũng khiến mình khó chịu vì không đồng nhất nhưng tính tôi được cái nín nhịn nên cũng bỏ qua hết. Mặc dù khi đó, tôi rất muốn làm theo ý mình vì con là con tôi. Nhưng lại nghĩ, ông bà ở nhà chăm con quen rồi nên bây giờ mặc, để ông bà chăm theo cách của họ.
Có lúc tôi thấy mình nhu nhược đến mức khó chịu. Mẹ chồng tôi cho cháu ăn cái gì, tôi cảm thấy sai cách, không hài lòng nhưng mà lại không dám nói gì kiên quyết. Tôi chỉ góp ý nhưng mẹ không nghe. Mẹ bảo tôi còn trẻ không có kinh nghiệm như các cụ nên cứ để yên cho các cụ làm. Tôi cũng bực trong người nhưng chẳng lẽ lại cãi mẹ. Việc đó trước giờ tôi chưa từng làm nên không dám làm mất lòng mẹ.
Cả nhà tôi vui vẻ bên nhau, sống hòa thuận, bây giờ chỉ vì chuyện con cái mà cãi nhau thì mệt mỏi lắm. Chồng tôi cũng đứng giữa, lại khó xử vì vợ con thì không ra sao cả.
Cả nhà tôi vui vẻ bên nhau, sống hòa thuận, bây giờ chỉ vì chuyện con cái mà cãi nhau thì mệt mỏi lắm. Chồng tôi cũng đứng giữa, lại khó xử vì vợ con thì không ra sao cả. (Ảnh minh họa)
Khi con tôi lớn, bà nội chăm sóc cháu bằng cách như thế này. Không cho cháu đi lớp, giữ cháu ở nhà khư khư vì bảo, nhà đông người, cần gì đi lớp, người ta chăm lại không yên tâm. Nhưng mà ở nhà, bà cũng không cho cháu giao du với trẻ con hàng xóm. Bà chỉ sợ sang nhà người ta chơi rồi con cháu người ta đẩy ngã cháu mình, rồi lại đau lại khóc.
Có lần tôi cho con sang chơi ngày cuối tuần ở nhà hàng xóm, con bị ngã, bà làm um lên, quát mắng tôi bảo là đã nói không cho sang chơi lại cứ cho sang. Khi đó tôi cũng ức lắm nhưng ngại chẳng dám nói lại. Thế là lần sau, tôi chẳng bao giờ dám cho con sang chơi nữa. Trẻ con hàng xóm cũng vì tính tình của bà nội chồng khó mà không dám cho sang chơi nhà tôi.
Thế nên, con tôi chỉ biết đến chuyện, bà ôm vào lòng, bà cho xem tivi, cho xem máy tính và điện thoại. Con đòi gì bà cũng cho. Bà còn chạy đi mua đồ chơi cho con lúc đêm nếu con khóc đòi cái đó. Nghĩ mà tội cho bà nhưng lại thương con mình. Mãi tới 3 tuổi, con cũng chỉ biết khóc khóc, đòi đòi mà không nói được câu nào tử tế. Có hỏi con cũng chỉ ư ư, a a, rồi khóc rồi đòi, quấy bố mẹ. Con chẳng chịu nghe khi tôi dọa đánh, mắng mỏ và cứ làm um lên thì cụ và bà lại vào dỗ dành rồi quát tháo tôi, bảo tôi bắt nạt con. Con tôi, tôi không thương thì ai thương, sao tôi lại bắt nạt con tôi được.
Con nhà người ta, 3 tuổi biết nói từ lâu rồi. Con nhà mình dù đã hơn 3 tuổi mà cái gì cũng ngọng líu ngọng lô, nói không thành câu thành chữ. Đến đòi đi tè cũng không biết, cứ ị với đi tiểu ướt hết cả quần, chẳng biết bảo bố mẹ gì cả.
Con nhà người ta, 3 tuổi biết nói từ lâu rồi. Con nhà mình dù đã hơn 3 tuổi mà cái gì cũng ngọng líu ngọng lô, nói không thành câu thành chữ. (Ảnh minh họa)
Bao nhiêu năm con ở nhà, không cho con đi lớp nên con mới thành ra như vậy. Cứ gặp bạn bè là con sợ. Lắm lúc hai vợ chồng có việc, cho con đi chơi, cứ thấy người lạ, kể cả là trẻ con là con co rúm người vào, chẳng dám ra chơi, xong rồi bảo con chơi với bạn thì cứ úp mặt vào gối, ngại ngại, thè lưỡi ra nhìn y như một đứa trẻ tự kỉ.
Nhiều lần tôi nói bà không nên chiều cháu, cháu sẽ hư mà bà không nghe. Có ai làm cháu khóc cái là bà làm um lên cứ như kiểu người ta đánh cháu bà vậy. Nghĩ mà chán nản vô cùng. Bây giờ, con có chịu nghe lời mẹ, có sợ bố mẹ đâu. Cứ đòi cái gì không được là lại chạy lại chỗ bà rồi úp mặt vào lòng bà rồi khóc, ăn vạ. Nghĩ mà chán…
Lần này, tôi tư vấn mấy chị cùng cơ quan, các chị bảo nếu không cẩn thận, sau này con tôi không giao du với ai, khó nói chuyện lại còn nhút nhát, ảnh hưởng tới trí tuệ của con. Nghe vậy tôi sợ quá, kiên quyết cho con đi nhà trẻ. Cả nhà được phen cãi nhau to vì chuyện này. Cụ và bà cấm không cho con đi lớp, còn tôi thì không chịu, nhất định phải cho con vào quy củ. Tôi bị dọa cho sợ hãi xanh mắt, sợ con mình sau này xa lánh quần chúng nên dù có cãi lại mẹ chồng, bà chồng, tôi cũng nhất định làm việc đó.
Thế là, tôi đã thắng khi chồng tôi cũng ủng hộ. Anh thấy rõ thực trạng của việc không biết chăm con, chiều con quá mức nên đồng ý cho con đi lớp. Mấy ngày đầu, con khóc um lên rồi về nhà đói, gầy, không chịu đi, mẹ chồng tôi xót lắm. Nhưng mà tôi mặc kệ. Mẹ tôi có vẻ khó chịu với tôi, quan hệ mẹ chồng nàng dâu cũng vậy mà rạn nứt. Nhưng kệ thôi, tôi biết làm sao được.
Sau hơn 2 tháng, con bắt đầu lại, ăn uống vào quy củ hơn, đi vệ sinh cũng vào quy củ. Con dần biết bảo bố mẹ khi buồn tè, buồn ị này kia. Tôi thấy mừng dần. Rồi con ngủ đúng giờ, cũng ít khi dám ăn vạ đòi mua đồ chơi vào đêm khuya. May quá…
Chỉ hi vọng con sẽ nhanh nhẹn hơn, nói nhiều hơn và nhanh chóng hòa nhập với bạn bè. Chứ không thì tôi ân hận vô cùng vì để con ở nhà một mình. (Ảnh minh họa)
Bà và mẹ nhìn thấy được sự thay đổi của con nên có vẻ cũng xuôi xuôi. Với lại, con đi lớp, bà cũng nhàn hơn, lúc đó mới thấy được, tác dụng của việc đưa trẻ con và khuôn khổ. Bây giờ, con còn biết chơi với các bạn cùng xóm, rồi chạy ra trêu đùa rất vui, xem ra đã có chút tiến triển. Tôi mừng vì mình đã kịp phát hiện ra chuyện này và cũng nhanh chóng khiến con không còn chịu cảnh chiều quá đáng của bà nội, bố mẹ chồng.
Chỉ hi vọng con sẽ nhanh nhẹn hơn, nói nhiều hơn và nhanh chóng hòa nhập với bạn bè. Chứ không thì tôi ân hận vô cùng vì để con ở nhà một mình. Mong sao, bố mẹ chồng cũng hiểu được điều tôi làm là tốt cho cháu đích tôn của ông bà.
Chị em ạ, đừng bao giờ phó mặc con mình cho nhà chồng, vì các cụ sẽ vô cùng chiều cháu, nhất là cháu đích tôn. Hãy có chính kiến trong gia đình chồng, chăm con tốt nhưng không phải cứ chăm là chiều hết mức, con muốn gì được nấy thì thế nào cũng hại con. Cha mẹ dù bận công việc cũng nên dành thời gian quan tâm, lo lắng cho con cái, đó mới là điều mà chị em nên làm.