Thời gian qua, thực hiện chủ trương, chính sách mở cửa, Mở cửa thị trường lao động tạo điều kiện cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng là một xu hướng tất yếu đã và đang tạo điều kiện cho việc di chuyển lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam. ngày 03/02/2016 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 11/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Nghị định này chính thức có hiệu lực từ ngày 01/4/2016 và có nhiều nội dung mới nổi bật liên quan đến giấy phép lao động cho người nước ngoài, thể hiện trên một số điểm sau:
Thứ nhất, về việc cấp phiếu lý lịch tư pháp
Trước đây, theo Nghị định 102/2013/NĐ-CP, người lao động nước ngoài đã cư trú tại Việt Nam thì pháp luật vẫn yêu cầu họ phải cung cấp cả phiếu lý lịch tư pháp tại Việt Nam và phiếu lý lịch tư pháp cấp tại nước ngoài với điều kiện về hình thức là phải được hợp pháp hóa lãnh sự và dịch công chứng. Việc yêu cầu cung cấp phiếu lý lịch tư pháp cấp tại nước ngoài cho người lao động nước ngoài đã cư trú tại Việt Nam là không cần thiết, gây nhiều khó khăn, thủ tục rườm rà khi xin cấp giấy phép. Do vậy, theo quy định mới hiện nay, đối với trường hợp người lao động nước ngoài đã cư trú tại Việt Nam thì chỉ cần phiếu lý lịch tư pháp do Việt Nam cấp, quy định này đã đơn giản hơn rất nhiều so với quy định trước đây.
Thứ hai, về thời hạn cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài
Trước đây, thời hạn để cấp giấy phép theo quy định Nghị định 102/2013/NĐ-CP là 10 ngày làm việc. Tuy nhiên, quy định mới ban hành đã rút ngắn thời hạn giải quyết hồ sơ xin cấp giấy phép giảm xuống chỉ còn 7 ngày làm việc. Quy định này là một sự tiến bộ trong cải cách hành chính, khi đã phần nào đẩy nhanh các thủ tục hành chính và bắt kịp với nhịp sống, yêu cầu của xã hội.
Có thể bạn quan tâm: Dịch vụ làm giấy phép lao động giá rẻ
Thứ ba, quy định các trường hợp không thuộc diện cấp giấy phép lao động
Trước đây, Nghị định 102/2013/NĐ-CP chưa điều chỉnh một số đối tượng có thể xem xét để không cần phải xin giấy phép khi vào Việt Nam, cụ thể: Tình nguyện viên, thực tập sinh không trong diện thực hiện các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập; người nước ngoài vào Việt Nam để công tác ngắn ngày, tham dự họp, kiểm toán nội bộ, người làm việc độc lập hoặc khảo sát; thương nhân vào thu mua hàng hóa ngắn ngày.
Hiện nay, Nghị định số 11/2016/NĐ-CP đã bổ sung trường hợp người lao động nước ngoài làm việc tại vị trí chuyên gia, nhà quản lý, giám đốc điều hành hoặc lao động kỹ thuật có thời gian làm việc dưới 30 ngày và thời gian cộng dồn không quá 90 ngày trong 01 năm thì không cần xin giấy phép.
Đối với các trường hợp không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định tại Khoản 2, Điều 7, Nghị định 11/2016/NĐ-CP thì người nước ngoài vẫn cần phải có giấy xác nhận thuộc diện không phải xin giấy phép của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trước ít nhất 7 ngày làm việc (trừ các trường hợp quy định tại Khoản 4, Khoản 5 Điều 172 của Bộ luật Lao động và Điểm e, Khoản 2, Điều 7 Nghị định 11/2016/NĐ-CP). Thời hạn xác nhận không thuộc trường hợp cấp giấy phép là tối đa không quá 02 năm và theo thời hạn của một số trường hợp cụ thể.
Thứ tư, quy định chi tiết hơn về hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài
Điều 10, Nghị định số 11/2016/NĐ-CP, hồ sơ đề nghị cấp giấp phép lao động phải có phiếu lý lịch tư pháp hoặc văn bản xác nhận người lao động nước ngoài không phải là người phạm tội hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự của nước ngoài cấp. Trường hợp người lao động nước ngoài đã cư trú tại Việt Nam thì chỉ cần phiếu lý lịch tư pháp do Việt Nam cấp. Các văn bản này được cấp không quá 6 tháng kể từ ngày cấp đến ngày nộp hồ sơ.
Đồng thời tại Nghị định số 11/2016/NĐ-CP quy định chi tiết về giấy chứng nhận sức khỏe phải có giá trị trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày ký kết luận sức khỏe, và vẫn có hiệu lực tại thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp phép lao động.
Thứ năm, điều kiện để xin cấp lại giấy phép lao động
Nghị định số 11/2016/NĐ-CP đã bổ sung thêm trường hợp được quyền xin cấp lại giấy phép lao động và bỏ đi trường hợp giấy phép hết hạn như trước đây, cụ thể các trường hợp sau:
– Giấy phép còn thời hạn bị mất, bị hỏng hoặc thay đổi nội dung ghi trong giấy phép lao động (trừ một số trường hợp sẽ làm theo thủ tục cấp mới);
– Giấy phép lao động còn thời hạn ít nhất 05 ngày nhưng không quá 45 ngày.
Theo Nghị định 102/2013/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành, pháp luật không đề cập trường hợp này. Nghị định số 11/2016/NĐ-CP đã quy định chặt chẽ hơn về trường hợp giấy phép hết hạn. Theo đó, nếu giấy phép gần hết hạn, người lao động nước ngoài còn nhu cầu làm việc tại Việt Nam và thời hạn còn ít nhất 05 ngày trước ngày hết hạn nhưng không quá 45 ngày, người sử dụng lao động phải thực hiện thủ tục xin cấp lại giấy phép lao động theo quy định.