Đó là quan điểm của nhiều bạn đọc khi gửi comment sau bài báo”Bán dâm: Tội gì mà bị báo chí ‘bêu’?” được Pháp Luật TP.HCM đăng tải hôm 19-4.
Hình ảnh những cô gái trong đường dây bán dâm “bị” đăng tải rõ mồn một trên những tờ báo thời gian gần đây khiến dư luận dấy lên nhiều luồng ý kiến trái chiều. Ngay chính bản thân độc giả, đối tượng tiếp nhận những thông tin và hình ảnh đó cũng người đồng tình, người phản đối, nhiều người cho rằng làm như thế là đúng để cảnh tỉnh người khác và cũng có những người cho rằng kẻ đáng lên án ở đây phải là người khác.
Chức năng của báo chí là thông tin, nhưng cách thông tin như thế nào cũng vô cùng quan trọng bởi sức ảnh hưởng của truyền thông là rất to lớn mà một khi thông tin đã lan truyền, sẽ không có cách gì ngăn chặn được hậu quả nó gây ra.
Hủy hoại tương lai của các cô gái
Hầu hết ý kiến độc giả gửi về cho PLO đều bày tỏ quan điểm hành vi bán dâm là không đúng đắn với chuẩn mực đạo đức, song các cô gái bán dâm không phải là tội phạm và không đáng bị bêu riếu trên mặt báo.
Độc giả Lê Thái Bình chia sẻ: “Báo chí viết về những vụ việc lớn thì rụt rè (như vấn đề tiêu cực và tham nhũng), còn những việc như bán dân thì đăng ầm lên. Những cô gái bán dâm pháp luật đã xử lý hành chính họ rồi…”.
Đồng tình, bạn đọc trankhoan nói: “Bán dâm dù có vi phạm đạo đức xã hội nhưng họ vẫn là con người…ì”.
Các độc giả cho rằng việc đăng hình công khai các cô gái bán dâm là thông tin không cần thiết. Ngược lại, việc làm đó đã hủy hoại ước vọng làm lại cuộc đời của họ. Bạn Đoàn Bá Thutỏ thái độ khá gay gắt: “Đăng hình lên coi như không cho người ta làm lại cuộc đời. Không ai muốn đi bán dâm cả, có khi phía sau là những khó khăn làm người ta bì bắt buộc làm thì sao? Không nên đứng ở góc độ cá nhân mình mà phán quyết người khác”. Bạn van nam cũnggọi đây là hành vi xúc phạm đến đời tư của người khác và hủy hoại cả một tương lai, không cho họ con đường sống…
Nhiều bạn đọc đưa ra vấn đề “cái tâm” của người làm báo khi cố đưa tin bằng mọi giá. Bạn Nguyễn Văn Lâmthẳng thắn nói: Phán xét, cơ hội trong nỗi đau người khác thì bản thân những người đó chẳng ra gì. Đưa tin chưa biết hậu quả đi tới đâu, hệ lụy sau này trên những bản tin… thì không nên làm nhà báo.
Thậm chí có bạn còn cho rằng đây là hành vi vi phạm của nhà báo, như độc giả Thuy Lyđã nói:Việc mua bán dâm sẽ tồn tại cùng với xã hội loài người. Việc báo chí ăn theo càng thêm quá trình lá cải hóa nhanh hơn, và xét về quan điểm nhân văn lẫn luật pháp thì việc đăng rõ tên, mặt là vi phạm.
Ảnh minh họa
Đăng hình công khai là xác đáng
Ngược với luồng ý kiến trên, cũng không ít bạn đọc nghĩ việc đăng hình công khai các đối tượng bán dâm là xác đáng và cần thiết. Như độc giả nguyen thi nguyet có nói: “không việc gì phải che mặt cả, phải đưa rõ ràng như thế mới triệt phá được tệ nạn xã hội”.
Bạn Cao Minh Phung phân tích kỹ hơn: Việc đăng hình ảnh như thế không phải là bêu xấu người mua bán dâm mà là để cảnh báo cho người thân của họ biết về hành vi này, tránh nhầm tưởng, để chúng ta biết họ là ai, làm gì trong xã hội, chứ không phải kỳ thị họ; để cho người khác biết rõ thông tin về người yêu thương của mình đã từng bán dâm nhưng vẫn chấp nhận họ mà không phải là sự dối trá; v.v..v….
Hầu hết các độc giả này đều đứng từ góc nhìn đạo đức để nhận định vấn đề. Theo họ, hành vi bán dâm gây nguy hại cho các gia đình vì làm nảy sinh sự không chung thủy, không trung thực, thậm chí là lừa gạt người khác nếu danh tính, hình ảnh người bán dâm được giấu kín. Khi các cô gái quyết định làm “nghề” này, họ hiểu được sự đúng sai, cân nhắc được hậu quả và chấp nhận tất cả điều đó, kể cả việc bị xã hội “biết mặt”. Do đó, việc đăng hình ảnh công khai là bình thường.
Độc giả Anh Bay so sánh “1.000 USD = 22 triệu đồng chỉ vài tiếng đồng hồ. Người công nhân đổ mồ hôi và nước mắt làm 5 tháng mới được số tiền đó. Những người mẫu đó họ cũng biết bán dâm là vi phạm pháp luật vi phạm đạo đức, họ chấp nhận làm họ đâu có biết xấu hổ. Báo chí đăng hình ảnh thật của những người mẫu cho mọi người thấy, để làm gương cho những người mẫu khác thấy đó là bài học sau này.”
Không thể chỉ phê người bán dâm
Không chỉ quan tâm đến việc có nên đăng tải hình ảnh của người bán dâm hay không, nhiều độc giả còn chú ý đến “một nửa còn lại của sự thật”. Bạn Bùi Ngọc Hiền nói: “Tôi nghe báo nói có người đặt hàng Lộc với giá 1.000 USD thì Lộc mới đi tìm người bán dâm. Thế thì người vi phạm pháp luật phải là người đặt hàng chứ. Tôi ủng hộ việc xã hội loại bỏ cái nghề này, nhưng đối xử theo cách này là bất công, phải trị tội mạnh hơn đối với kẻ mua dâm thì tệ nạn này mới bị xóa bỏ”.
Bạn Vũ Nguyễn cho rằng, nếu muốn dẹp nạn mại dâm, phải công khai cả tên tuổi của người mua dâm. Khi đó, chắc chắn hiệu quả sẽ được nâng cao đáng kể.
Tương tự, độc giả huỳnh thanh liêm cũng nêu quan điểm: Đáng lẽ trên phương diện truyền thông, tất cả họ phải là những người vi phạm và phải được đối xử công bằng như nhau. Ở các nước, khi một chính khách, doanh nhân mua dâm là ngay tức khắc đưa lên mặt báo, còn ở nước ta lại che giấu danh tính của những người này.
Nghi can Lê Bảo Lộc – người tổ chức đường dây mại dâm ngàn USD. Ảnh do công an cung cấp
Như vậy, phải chăng cách làm chỉ công khai thông tin một phía như hiện nay của báo chí là chưa thỏa đáng? Độc giả Thanh Thanh, đồng thời cũng giới thiệu mình là một nhà báo đã có ý kiến khá khái quát và sâu sắc: “Tôi cũng là một Nhà báo đã có 34 năm trong nghề; song tôi phải rùng rợn mà thừa nhận rằng việc xâu xé các cô gái bán dâm không khác gì những con Kền Kền xâu xé xác thối. Tại sao không dám nêu tên đại gia mua dâm? Sợ họ kiện ư? Mà chỉ xâu xé các cô gái bán dâm, những người mà họ biết rằng không bao giờ dám đi kiện. Đấy có phải là một sự hèn hạ của các “gọi là nhà báo” hay không? Dù là gái điếm, họ cũng có nhân phẩm, cũng cần được Pháp luật bảo vệ, cám ơn Pháp luật TP.HCM đã có một cách nhìn khác đầy nhân văn về việc này”.
—-
Thay cho lời kết, xin dẫn lời một bạn đọc có tên Nguyễn Khải, bạn nói: “Báo chí đang góp phần làm con người thêm vô cảm”. Có lẽ điều này đúng khi giữa rừng tin tức bất tận mỗi ngày được cập nhật cho toàn xã hội trong từng giây… ngày càng hiếm hoi tìm thấy những trăn trở của người viết về sự kiện, về số phận người “được” nói tới.
Cuộc chạy đua thông tin khiến người ta chỉ ào ạt “khoe” tất cả những gì mình có, chiều chuộng thị hiếu thông thường của người đọc, để cuối cùng nhiều bài báo trở thành công cụ bêu riếu chứ không phải thông tin, bảo vệ và xây dựng xã hội tốt đẹp. Và thêm một lần nữa, những người làm báo chúng tôi phải giật mình nhìn lại…