Dương đang loay hoay với chiếc máy may công nghiệp may nốt hàng để trả cho khách thì điện thoại reo, ánh sáng từ màn hình điện thoại chiếu vào mắt khiến Dương ảo tưởng, số máy đã mất hút từ mười năm lại gọi đến. Có chút háo hức, có chút mong chờ và cả cảm giác sợ hãi, Dương nhấn nghe.
Vẫn là giọng nói đều đều của Hải có phần già nua và khô khan hơn xưa, anh hỏi cô giờ cô ở đâu, đang sống như thế nào. Dương chỉ có thể trả lời vài câu xã giao không đầu không cuối, cô biết anh đã tìm ra số điện thoại của mình thì chắc chắn nắm rõ hoàn cảnh hiện tại của cô. 10 năm không gặp, khi cả hai đều đã đi quá nửa chừng xuân, tất cả mọi sự liên hệ đều gợi lại cho Dương sự đau đớn.
Trong hơi thở ngập ngừng, Hải nói: “Anh vẫn còn yêu em”!. Còn Dương, có lẽ từ đầu cô đã biết mình chưa bao giờ hết yêu anh. Nhưng những hành động đê hèn trong quá khứ khiến Dương không còn can đảm nhận lại tiếng yêu của anh lần nữa.
Dương biết mình chưa bao giờ hết yêu anh nhưng quá khứ khiến cô không can đảm đón nhận tình yêu đó. Ảnh minh họa.
Dương gặp Hải lần đầu trong một buổi giao lưu sinh viên (SV) trên thung lũng Mai Châu lộng gió, giữa ánh lửa bập bùng chàng SV đào hoa năm 3 của khoa Cầu đường, trường Giao thông Vận tải bị hút hồn bởi cô SV năm nhất của trường Mỹ thuật công nghiệp.
Hải nói anh yêu cô từ cái nhìn đầu tiên, ngay khi nhìn thấy nụ cười với hai má lúm đồng tiền và khuôn mặt ửng hồng lên dưới lửa nóng cùng cái nháy mắt tinh nghịch dành cho anh khi hai người múa cặp, Hải biết mình đã hoàn toàn rơi vào lao ngục tình yêu.
Sau hai ngày ở Mai Châu trở về Hà Nội, đôi trẻ say đắm nhau như đôi chim câu. Hải yêu và chăm chút cho Dương hết mực, anh giúp cô ôn bài, hoàn thành những bản vẽ kỹ thuật cao, giúp cô trang trải cuộc sống ở thành phố đắt đỏ này.
Dương rất yêu và biết ơn Hải, anh như người anh, người thầy và cả người cha của cô trong những năm tháng đầu tiên bơ vơ đất khách quê người. Cũng như bao đôi trẻ đang độ sắc xuân, họ yêu nhau say đắm, thề nguyền trọn đời trọn kiếp và trao cho nhau trái cấm nguyên vẹn nhất.
Lần đầu tiên bỡ ngỡ, Hải và Dương như chìm sâu vào con thuyền không bến đỗ, họ thiếu kinh nghiệm và Dương đã có thai, năm đó Dương mới 20 và Hải chỉ vừa 22, lo lắng sợ hãi nhưng vì yêu Dương nên Hải quyết tâm xin bố mẹ tổ chức đám cưới. Và đương nhiên bố mẹ Hải – hai vị thân sinh ngoài 40 mới có mụn con cầu tự nào đồng ý, dù trước đó họ biết Dương và khen cô ngoan ngoãn dịu dàng. Nhưng với tư tưởng của những người đi qua những năm chiến tranh bom đạn, chữ trinh tiết đáng giá ngàn vàng khiến cho bố mẹ Hải nổi trận lôi đình và bắt hai người tự giải quyết.
Cay đắng và xót xa nhưng bản thân Dương và Hải cũng không muốn lỡ dở học hành nên đã đồng ý. Xót xa với thiệt thòi và mất mát của Dương, Hải càng yêu và chiều chuộng Dương hơn, anh đã thề với lòng ngoài Dương ra sẽ không lấy ai cả. Dương cũng nhất mực tin tưởng rằng Hải thật lòng trân trọng mình nhưng một cô gái quê sống tại nơi đất khách quê người và vết thương phá thai khi còn quá trẻ khiến Dương mầm mống lo sợ trong Dương cứ ngày lớn dần.
Nhất là trong những ngày Hải đi thực tập xa, có khi cả tháng cả hai mới gặp nhau, Dương trở nên ghen tuông và hờn dỗi khi Hải không bắt máy, cô chửi bới thậm tệ khi bất chợt nghe thấy tiếng cô gái nào đó bên Hải. Dương luôn ghi nhớ câu nói của những người đi trước “Tham như trai xây dựng”. Đã rất nhiều lần Hải thề thốt, anh đưa cho Dương tất cả tiền tiết kiệm trong những ngày đi công trình của mình, anh yêu và tha thứ cho sự ghen tuông mù quáng của cô.
Vượt qua rất nhiều sự hoài nghi và đố kỵ, Dương và Hải cũng đã nắm tay nhau đi qua thời sinh viên mặn ngọt, bố mẹ Hải cũng đã cởi mở với Dương hơn. Nhưng công việc xây dựng Hải lựa chọn đồng nghĩa với việc Hải không thường xuyên bên cô, anh yêu những cây cầu và dành hết tâm sức cho chúng.
Cơn ghen tuông của Dương tưởng chừng đã nguội đi trong khoảng thời gian Hải bên cạnh lại bùng cháy lên khi Hải đi xa, công việc thiết kế thời trang khiến Dương có cơ hội tiếp xúc với nhiều người đàn ông có tiền và ga lăng, họ chịu chi và khiến Dương vơi bớt cô đơn với những màn săn đuổi quyết liệt. Hải đều nghe được những lời đó nhưng anh tin tưởng tuyệt đối vào tình yêu Dương dành cho mình.
Hai năm sau ngày tốt nghiệp Hải đã kiếm được một số tiền nhất định để xây dựng tổ ấm cho hai người, anh đã lên kế hoạch cầu hôn Dương với cả một video dàn dựng công phu từ đầu ở Mai Châu, đến những bức ảnh anh trong bộ đồ lao động nhem nhuốc nhìn ảnh cô đang cắm cúi bên những bản vẽ thời trang…, chiếc nhẫn có viên kim cương nhỏ xíu anh đã dành dụm rất lâu mới mua được, căn phòng có nến và hoa anh đã mượn của một cậu bạn đang đi du học để trang trí cho buổi tối đáng nhớ. Việc cần làm duy nhất là anh sẽ bất ngờ đến đón Dương trong căn hộ mini của cô và đưa cô đến đây.
Nhưng khi Hải đến, đập vào mắt anh là hình ảnh Dương trong chiếc khăn tắm trắng chỉ đủ che nửa bộ ngực mơn mởn phong trần của cô, trên chiếc giường quen thuộc anh đã từng nằm thì tên “giám đốc” của Dương đang nằm chễm chệ. Hải không nhớ mình đã đấm hắn bao nhiêu cú đấm và nghe được những lời tuyệt tình của Dương.
Hôm sau anh quay lại công trường xây dựng trên Sơn La, do không tập trung, Hải đã phạm sai lầm nghiêm trọng và bị rơi từ giàn giáo xuống, anh bị thương nặng và phải chuyển viện về Hà Nội ngay trong đêm. Hơn 2 tháng chiến đấu với tử thần Dương không hề đến thăm anh, cô vội vã kết hôn với chú rể giàu có và xuất ngoại.
5 năm sau Dương về nước với hai đứa con gái sinh đôi và mở một hiệu may chung với bạn. Cô đã ly hôn với người chồng nghiện ngập phóng túng. Anh ta thực chất chỉ có mác Việt Kiều rởm làm việc chủ yếu ở công xưởng may đồ lót chứ không hề có công ty bên Mỹ như đã khoe trước đó.
Còn Hải vẫn chưa kết hôn, anh đã 36 tuổi, chín chắn và thành đạt nhưng trở nên nghi ngờ và coi thường phụ nữ, phụ nữ đến với anh chỉ như cuộc vui qua đường, cũng có những người chân thành và nhiệt tình. Nhưng ở bên họ Hải chỉ nghĩ đến nụ cười lúm đồng tiền duyên dáng và đôi mắt trong sáng của Dương trong ngọn lửa bập bùng của Mai Châu gần 20 năm về trước…