Mike Pope là một tình nguyện viên của Úc. Anh đã sống ở Hà Nội từ tháng 4 đến tháng 11 năm 2011. Trong suốt thời gian ở đây, anh đã chia sẻ những trải nghiệm của mình ở một quốc gia Đông Nam Á – bất kì những gì anh thấy thú vị trong cuộc sống hàng ngày. Trang cá nhân ‘Good evening, Vietnam!’ của anh đã thu hút được một lượng độc giả cũng kha khá với cách viết giản dị và gần gũi. Thậm chí, anh còn khoe với bạn bè phòng vệ sinh có 1-0-2 của mình.
Dưới đây là bài chia sẻ của anh Mike về căn phòng vệ sinh của mình! |
Chào mừng các bạn đến với phòng vệ sinh ở Việt Nam của tôi. Đừng ngại ngần gì cả, cứ vào mà tham quan và khám phá.
Khá nhỏ bé phải không? Cá nhân tôi nghĩ rằng nó rất ấm cúng và phù hợp với một người cô đơn. Tuy nhiên, có một vài tính năng thiết kế hơi có vấn đề trong phòng vệ sinh này.
1. Thừa bệ đi tiểu
Thật sự không hiểu ai nghĩ rằng việc thêm một bệ đi tiểu cho nam giới trước bồn cầu là một ý tưởng tốt. Có lẽ họ nhìn xa trông rộng rằng sẽ tiện lợi hơn cho khách thuê là nam giới, hoặc là để mọi người trong nhà khỏi tốn công chờ đợi nhau đi vệ sinh chăng? Hay có lẽ họ khuyến khích mọi người nên đi tiểu thường xuyên bằng cách tăng gấp đôi chỗ đi vệ sinh? Dù là gì đi nữa thì nó cũng gây khó chịu với bạn nữ cùng phòng tôi. Chẳng ai thích đi vệ sinh và chằm chằm trước mặt mình là bồn tiểu của nam giới. Vì vậy, tôi đã quyết định thử và khiến bạn của mình cảm thấy dễ chịu hơn bằng cách đặt một chậu cây hồng môn giả vào bồn giải.
Ở Việt Nam thì bạn luôn phải tích trữ rất nhiều giấy vệ sinh. Một chú ý đáng quan trọng nếu bạn thường xuyên trải nghiệm thức ăn trên đường phố Hà Nội.
Thay đổi bài trí một chút cái bệ tiểu khó coi này
Bằng một chậu hoa giả trang trí
2. Vòi sen mở
Khác với phòng tắm ở nước ngoài luôn được quây kín thì ở Việt Nam thường xuyên để mở. Tôi và các bạn hay nói đùa đây là phòng “Shoilet” – kết hợp giữa từ “Shower” (Vòi sen) và “Toilet” (Nhà vệ sinh). Họ cho rằng thiết kế này giúp tiết kiệm và thông thoáng cho căn hộ có phòng vệ sinh nhỏ. Tuy vậy, nhiều gia đình có phòng tắm lớn cũng cứ để ‘thông thoáng’ thế này. Tôi thì luôn luôn thấy ướt át, trơn trượt và cảm tưởng như mình đang ở trong công viên nước mỗi lần vào nhà vệ sinh.
Chính vì thiết kế này, hiếm khi khăn mặt, giấy vệ sinh, quần áo treo trong nhà vệ sinh khô ráo. Đôi lúc, tôi lại còn bất cẩn đánh rơi khăn lau người xuống sàn và ‘thôi xong’ – chúng nhanh chóng ướt át. Còn nữa, nhiều lúc tôi chỉ muốn rửa tay và tiện tay dùng luôn vòi dưới hoa sen. Nhưng tiếc là bạn cùng phòng của tôi quên chỉnh chế độ vòi dưới sau khi tắm xong và tôi lại được tắm thêm lần nữa.
Hồi mới về đây, tôi không có thói quen đi dép trong nhà và vì vậy thường xuyên ướt tất khi đi vệ sinh dù đã tắm xong vài tiếng. Cuối cùng, bạn trọ với tôi gợi ý rằng chúng tôi nên mua một đôi dép đi trong nhà tắm.
Nhưng tôi đã từ chối vì thẩm mỹ và các lý do liên quan đến kích thước.
3. Đơn điệu
Căn phòng tắm trắng trơn từng khiến tôi cảm thấy hơi chán. Cuối cùng, tôi đã treo một chiếc mặt nạ truyền thống của Việt Nam để tăng thêm sức sống cho căn phòng. Chiếc mặt nạ này có một đôi – tôi được các bạn sinh viên của trường Đại học nơi tôi làm việc tặng. Tôi treo một cái ở đầu giường để giúp bảo vệ mình trong khi ngủ, và một chiếc ở đây để gây tò mò cho những người bạn đến chơi nhà.