Adrian Zagrodzki, tên thường gọi là Xe Ôm Tây hay Adi Mập, đã trở nên quen thuộc với khán giả Việt Nam trong 3 năm trở lại đây qua các chương trình: Tạp Chí 360, Lữ Khách 24h, Cha Con Hợp Sức… Sau khi tốt nghiệp xuất sắc ngành ngữ văn Việt – Thái tại Ba Lan, anh quyết định sang Việt Nam lập nghiệp.
Adi cho biết anh là người Việt Nam nhập khẩu từ Ba Lan
DUYÊN SỐ ĐÃ KHIẾN TÔI GẮN BÓ VỚI VIỆT NAM.
Vì sao anh quyết định chọn Việt Nam làm quê hương?
Có duyên – ngắn gọn là vậy. Sau 1 năm ở Việt Nam (nhờ giành học bổng tại đại học), tôi quyết định chọn nơi đây làm quê hương. Tất nhiên cuộc sống ở vùng đất mới lúc nào cũng có khác biệt và Adi điều chỉnh bản thân nhiều, nhưng …vì “nghiện” văn hóa Việt Nam nên chấp nhận tìm hiểu để có thể hội nhập.
Chàng trai Ba Lan trải nghiệm công việc bán bong bóng tạo hình tại Việt Nam.
Anh có thể chia sẻ một kỷ niệm khi học văn hóa Việt Nam được không?
Môn học ấn tượng nhất là “Văn Hóa Việt Nam”. Đầu học kỳ, thầy nói học quan họ và ngâm thơ thì có điểm thưởng. Adi đã ra sức luyện tập. Thi vấn đáp cuối kỳ không may bốc nhầm chủ đề… lạ hoắc nhưng nhờ ngâm truyện Kiều và hát Cây trúc xinh; cộng với giáo sư biết tôi tham gia đầy đủ các lớp, tranh luận sôi nổi nên được 4 điểm (thang điểm 5).
Một lần khác khi làm luận văn tốt nghiệp đề tài “Tứ Bất Tử”. Các bạn cùng khóa thường tìm tài liệu bằng tiếng Anh và tiếng Ba Lan trước, cái nào có nhiều thì sẽ chọn đề tài đó, nhưng Adi thì chọn đề tài yêu thích và đã lục tung thư viện quốc gia Hà Nội để tìm kiếm tư liệu (bằng tiếng Việt) cho luận văn.
Ấn tượng của anh về người Việt Nam?
Điều tuyệt vời nhất là người dân rất cần cù. Có lần Adi gặp cặp vợ chồng làm việc tại lò muối. Lương cả hai chỉ 6 triệu/tháng nhưng nuôi cả gia đình với ba người con đi học. Tôi rơi vào tình huống ấy chắc khó có nghị lực như thế.
Du lịch bụi khắp Việt Nam là sở thích của chàng trai Ba Lan.
Để qua Việt Nam sống, Adi hẳn phải trả đánh đổi nhiều điều?
Mất đi mối tình đầu. Khi Adi quyết định tương lai ở Việt Nam, còn bạn gái chỉ ở Ba Lan. Cả hai sẽ không có tương lai gì nên chia tay. Không hề dễ dàng vì từ đó tới giờ, Adi vẫn chưa gắn bó lâu dài với một cô gái nào khác.
Adi có thích con gái Việt Nam không?
Adi chắc chắn chỉ cưới con gái Việt Nam thôi. Nhưng đàn ông Việt thường thích vợ hiền, ở nhà nấu cơm, chăm lo đời sống gia đình. Bạn gái Adi cần hiền một chút, nhưng cũng phải biết “chơi” bởi Adi rất thích gặp gỡ bạn bè. Cô ấy cũng tham gia chứ không chỉ ngồi nghe hoặc… lui vào hậu trường.
NGẪU NHIÊN THỰC HIỆN ĐƯỢC ƯỚC MƠ TẠI VIỆT NAM.
Từ nhỏ Adi đã muốn làm truyền hình nhưng rất khó xin vào các đài ở Ba Lan. Khi Adi sang Việt Nam dạy tiếng Anh, chỉ 2 tháng thì đài truyền hình mời về làm, vậy là gắn bó đến giờ. Ước mơ từ xưa được thực hiện. Quả là ‘vạn sự tùy duyên’.
Sau 5 năm, giờ Adi là gương mặt MC quen thuộc trên sóng HTV.
Tham gia nhiều, Adi ấn tượng với chương trình nào nhất?
Cha Con Hợp Sức – vì nói lên thực trạng xã hội hiện nay. Cha và con ít gắn bó như xưa. Sau mỗi ngày đi làm, các phụ huynh quá mệt để trò chuyện cùng con.
Cha Con Hợp Sức là cuộc đối đầu của hai cặp cha con với thử thách: ngủ trên tàu, cắm trại, dựng lều, tự nấu ăn… Hiện chương trình phát sóng trận đấu cuối cùng vòng tứ kết.
Nhiều ông bố khi tham gia mới tá hỏa là… chẳng hiểu con. Chương trình là cơ hội để hai bố con hiểu và đồng cảm lẫn nhau. Qua 2 ngày cùng sát cánh với con, các ông bố hình thành thói quen chơi đùa, tâm sự cùng bé sau này.
Kỷ niệm nào làm Adi xúc động khi làm truyền hình thực tế?
Đó là tình cảm hồn nhiên, chân thật giữa các đối thủ nhí. Đã có hành trình Cha Con Hợp Sức khi kết thúc cả hai bé đều khóc. Bé trai khóc vì thua. Bé gái (thắng) thì ‘con khóc vì bây giờ sẽ không được chơi với bạn nữa’. Tuy chỉ mới quen nhưng cả hai mỗi lúc hết thử thách lại nắm tay, nói chuyện rất dễ thương. Adi lúc đó cũng cay cay nơi khóe mắt.
Anh có lời khuyên gì dành cho những bạn trẻ nước ngoài muốn lập nghiệp tại Việt Nam?
Một là học tiếng Việt – giúp bạn tận hưởng văn hóa và hội nhập tốt hơn.
Hai là ở Việt Nam kết bạn dễ và mất bạn cũng không khó. Nếu đã mất sự tin tưởng của 1 người thì rất khó lấy lại.
Ba là đừng vội quyết định sẽ ở đâu. Nên đi hết Bắc – Trung – Nam và xem xét nơi nào có công việc phù hợp, nơi nào bạn thích nhất. Vì từng địa phương rất khác nhau về cuộc sống, văn hóa, ẩm thực. Nên tìm hiểu hết sau đó mới chọn.