Thời gian cho gia đình đang bị “đánh cắp”
Hình ảnh cả gia đình đang bên nhau nhưng mỗi người làm một việc riêng như gia đình anh Tuấn, chị Nhung không phải là trường hợp hiếm gặp. Thực tế cho thấy, thời gian toàn tâm toàn ý các thành viên trong gia đình dành cho nhau ngày càng bị “đánh cắp”. Khảo sát của báo Tuổi Trẻ Online được thực hiện trong tháng 3 vừa qua cho thấy có đến gần 87% trong số 38.362 độc giả chỉ dành không tới 1 giờ mỗi ngày cho gia đình, đặc biệt tới gần 57% chỉ dành dưới 20 phút mỗi ngày. Còn với câu hỏi về thời gian cho bữa ăn gia đình, trong 22.848 độc giả tham gia khảo sát, hơn 87% dành thời gian ăn tối với gia đình ít hơn 3 buổi/tuần, đáng chú ý là có tới 60% cho biết họ ăn tối với gia đình duy nhất 1 lần/tuần.
Theo PGS.TS tâm lý Huỳnh Văn Sơn, để một gia đình có thể gắn kết bền chặt, các thành viên phải dành ít nhất 1 giờ mỗi ngày hoàn toàn bên nhau và có ít nhất 3 bữa ăn tối cùng nhau. “Nghe có vẻ đơn giản, nhưng với kết quả khảo sát vừa qua thì con số này đúng là… đáng mơ ước của nhiều gia đình” – PGS.TS Huỳnh Văn Sơn ngậm ngùi. Nhịp sống hiện đại với nhiều áp lực công việc, quan hệ xã hội và cuộc sống cá nhân đã thu ngắn khoảng thời gian cả nhà ngồi lại bên nhau. Và như một hệ quả tất yếu, khoảng cách giữa các thế hệ ông bà, cha mẹ và con cái ngày càng trở nên rộng hơn.
Thường xuyên dùng bữa cùng nhau sẽ giúp gia đình gắn kết bền chặt hơn
Hiện diện không đồng nghĩa với gắn kết
Ở các nước có chỉ số hạnh phúc cao trên thế giới như Hà Lan, mức độ gắn kết giữa các thành viên thường được dùng để đánh giá mức độ hạnh phúc gia đình. Mức độ gắn kết này được tính bằng thời gian chất lượng cả gia đình dành cho nhau trong một ngày. Theo PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, “chất lượng” được hiểu là việc các thành viên dành toàn tâm toàn ý cho các hoạt động chung của gia đình, có sự tương tác giữa các thành viên trong một bầu không khí ấm cúng, cởi mở và quan tâm chăm sóc lẫn nhau.
Thời gian chất lượng hoàn toàn khác với việc đơn thuần đếm tổng thời gian các thành viên hiện diện trong gia đình một cách bắt buộc, lấy lệ. Vì nếu như thế, sự hiện diện này đôi khi lại mang thêm nỗi phiền muộn cho nhau vì không tìm được tiếng nói chung. Lúc đó thì sự hiện diện có thể mang lại điểm trừ cho mức độ gắn kết.
Sự gắn kết gia đình được tính bằng thời gian chất lượng cả gia đình dành cho nhau
Nếu gia đình là một cái cây thì sự gắn kết chính là gốc rễ nuôi dưỡng các “nhánh cây” thành viên trong nhà. Hãy nuôi dưỡng gốc rễ để các nhánh cây dù có vươn về nhiều hướng khác nhau vẫn luôn được khỏe mạnh và xanh tươi…
Box: Nếu bạn không chắc gia đình mình có thực sự gắn kết, hãy thử làm một bài kiểm tra nho nhỏ để “đo” chỉ số gắn kết hiện tại của gia đình bạn. Bài trắc nghiệm tâm lý với 10 câu hỏi đơn giản được PGS.TS Huỳnh Văn Sơn tư vấn thực hiện sẽ giúp bạn dễ dàng nhận ra liệu có hoạt động nào cần thiết cho sự gắn kết gia đình nhưng đã vô tình bị lãng quên trong mái ấm của mình. Thực hiện bài trắc nghiệm tâm lý tại đây.